Có một thứ nguyên nhân kỳ khôi của những cuộc cãi vã trong tình yêu: chàng trai thích láo liên ngắm gái đẹp khi đi cùng người yêu trên phố.
Là đàn ông thì ai cũng thích phụ nữ đẹp. Và chắc chắn là họ sẽ tranh thủ mọi cơ hội để ngắm nhìn một người phụ nữ đẹp, bất chấp việc đã có người yêu, gia đình hay là đã có sổ hưu hay chưa.
Nhưng vấn đề phát sinh là liệu họ có được quyền ngắm nghía công khai phụ nữ đẹp trên phố, khi đang đi cạnh ý chung nhân của đời mình hay không?
Một số người phụ nữ kịch liệt phản đối hành vi này. Họ cho rằng đó là một sự khiếm nhã, thiếu tôn trọng người tình, thiếu tôn trọng bản thân, hay thỉnh thoảng, sau khi sự khó chịu chuyển thành những cuộc cãi vã, thì vấn đề sẽ được quy kết về nhân cách, lòng chung thủy, hoặc là chế độ giáo dục của gia đình.
“Đi cạnh tôi mà anh còn dám thế thì không biết đằng sau lưng tôi anh còn dám làm những cái gì nữa?” – họ đau khổ chất vấn.
Một số lại cho rằng đó là hành động hết sức bình thường của đàn ông. Cứ công khai thẳng thắn với nhau thế là tốt. Gã đàn ông mà không ngắm gái đẹp thì mới đáng ngại chứ, cần phải đặt chỗ trong khoa Nam học các bệnh viện lớn ngay. Thậm chí, họ cùng tham gia vào cuộc chiêm ngưỡng và sôi nổi bàn luận.
“Trông thì cũng được, ba vòng đều đẹp nhưng mà mặc cái váy trông quê quá, sao hôm nay gu của anh chán đời thế” – họ trìu mến nhận xét.
Vấn đề tất nhiên là quan điểm. Không thể nói ai đúng ai sai được. Nhưng có một chi tiết mấu chốt cần làm rõ ngay, để những người thuộc trường phái “nhân cách anh ta có vấn đề” tham khảo. Chi tiết rất quan trọng: việc thích ngắm nhìn các cô gái đẹp ngoài phố không phải lúc nào cũng đi kèm ham muốn tình dục.
Chị em hay có xu hướng ấn tượng rằng việc đàn ông thích ngắm cô khác là biểu hiện của lòng thèm muốn, hứa hẹn sự thiếu thủy chung, mầm mống của việc ngoại tình, hay cụ thể hơn, là gián tiếp khẳng định rằng người yêu của mình không được xinh đẹp.
Nhưng có tồn tại một cái đẹp mang tính biểu tượng. Ví dụ, đàn ông sẽ thích ngắm xe Bugatti hay Lamborghini, vì nó là cái đẹp mang tính biểu tượng. Cho anh ta cái xe đấy chưa chắc đã lấy, vì gầm thấp quá, chạy trên đường phố Việt Nam rất bất tiện, với lại có phải chủ tịch tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đâu mà có tiền đổ xăng. Điên mà tha về.
Hoặc khi anh ta ngắm một cô người mẫu Tây trên báo, anh ta cũng không nhất thiết phải tưởng tượng ra cảnh mình đang được cùng nàng ta khỏa thân chạy trên bãi biển: gái Tây to như con gấu ấy, nhìn thì thích thế thôi chứ còn…
Cái đẹp mang tính biểu tượng được xã hội tôn vinh. Người ta tổ chức thi hoa hậu, người mẫu, không phải để đưa ra thông điệp: “Nhìn đây này, thế này mới là phụ nữ chứ, vợ anh xấu hoắc” và cổ xúy đàn ông bỏ vợ. Các cô hoa hậu được dựng lên, cũng giống như là một công trình điêu khắc hay kiến trúc đẹp, để truyền bá tinh thần mỹ cảm thôi.
Nếu đánh đồng cái đẹp của một cô gái trên phố với cái đẹp của một chiếc Lamborghini hay Roll Royce thì chị em sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Ai đi qua mà không phải liếc một cái, nó đẹp quá mà. Chứ từ cái liếc đấy đến ham muốn sở hữu thì còn xa lắc. Đàn ông vốn nổi tiếng là thực dụng, không bị ảo tưởng nhiều như thế đâu.
Chắc chị em không nghĩ rằng khi chồng mình khen tòa nhà Quốc hội xây đẹp quá, anh ta đang manh nha nghĩ về việc mua 1 héc ta đất ở quảng trường Ba Đình?
Đăng nhận xét